24/03/2022 09:37

5 dự án cầu kết nối Đông Nam Bộ

Cầu Bạch Đằng 2, Đò Mới, Cát Lái, Phước An và Mã Đà là các dự án giao thông quan trọng, góp phần liên kết giao thương 6 tỉnh, thành miền Đông.

Đông Nam Bộ rộng gần 23.600 km2, gần 18 triệu người (thống kê năm 2019), gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là khu vực kinh tế phát triển nhất nước, góp hơn 2/3 thu ngân sách hằng năm. Vai trò quan trọng nên thời gian qua, giao thông ở khu vực được đặc biệt quan tâm, trong đó có nhiều dự án cầu để kết nối sản xuất, giao thương giữa các địa phương.

5 dự án cầu kết nối Đông Nam Bộ

5 dự án cầu sẽ giúp kết nối các tỉnh thành Đông Nam Bộ. Đồ họa: Khánh Hoàng

Khởi công cuối năm 2021, nằm phía Đông tỉnh Bình Dương, cầu Bạch Đằng 2 tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, được xem là "nút thắt" cho giao thông TX Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên kết nối quốc lộ 1A, sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải một cách nhanh nhất.

Dự án cùng hai dường dẫn có tổng chiều dài hơn 2,8 km, trong đó cầu dài khoảng 410 m, rộng 17 m, 4 làn xe. Nguồn vốn thực hiện dự án được chia theo tỷ lệ mỗi địa phương đóng 50% với phần cầu chính, các tỉnh tự đầu tư xây dựng phần đường dẫn trên địa bàn.

Bạch Đằng 2 khi đưa vào sử dụng giúp kết nối giao thương các khu công nghiệp phía TX Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) với TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom (Đồng Nai). Cầu dự kiến hoàn thành cuối năm 2023.

5 dự án cầu kết nối Đông Nam Bộ

Khu vực xây cầu Bạch Đằng 2 nối TX Tân Uyên, Bình Dương và huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Ảnh: Phước Tuấn

Trong khi đó, trục phía Tây của Bình Dương, địa phương này cùng Tây Ninh khởi công xây tuyến đường kết nối hai tỉnh. Trong đó có cầu Đò Mới, dài 165 m, rộng 20 m, bốn làn xe bắc qua sông Thị Tính ở xã An Điền, thị xã Bến Cát. Dự án còn kèm đường dẫn hai bên cầu và 1.2 km bờ kè sông Thị Tính.

Cầu mới nằm song song cầu cũ đang chạy vào nội ô thị xã Bến Cát, có điểm đầu nối tỉnh lộ 748, điểm còn lại nối quốc lộ 13, nằm trên tuyến đường tránh trung tâm thị xã. Công trình khởi công đầu năm ngoái, dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025.

Là trung tâm Đông Nam Bộ, TP HCM có nhiều dự án cầu kết nối Bình Dương và Đồng Nai, trong đó cầu Cát Lái được kỳ vọng giúp cửa ngõ phía Đông thành phố cất cánh, liên kết các huyện Long Thành, Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai.

Cầu Cát Lái được quy hoạch cách đây hơn 20 năm, mục đích thay phà cùng tên đang quá tải. Dự án được Thủ tướng đồng ý chủ trương xây dựng 6 năm trước song đến nay TP HCM và Đồng Nai vẫn chưa thống nhất vị trí xây cầu.

Công trình có thiết kế dây văng hai trục tháp, dài 650 m, rộng 37 m, 6 làn ôtô và 3 làn xe thô sơ, lề đi bộ mỗi bên 1,5 m... với kinh phí hơn 7.500 tỷ đồng. Sau nhiều lần họp bàn, thị sát, đơn vị tư vấn đưa ra 5 phương án xây cầu, đề xuất khởi công trong năm nay.

Cầu Cát Lái sau khi hoàn thành ngoài thúc đẩy phát triển đô thị mới Nhơn Trạch còn giúp kết nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, cầu kết nối TP HCM với Cảng hàng không Long Thành dự kiến hoạt động năm 2025.

5 dự án cầu kết nối Đông Nam Bộ

Thiết kế cầu Phước An. Ảnh: BQL dự án Bà Rịa - Vũng Tàu

Là tỉnh có công nghiệp, cảng biển phát triển, đặc biệt sở hữu cảng nước sâu lớn nhất nước lÀ Cái Mép - Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu đặc biệt quan tâm đến hạ tầng giao thông kết nối để thúc đẩy kinh tế địa phương. Bên cạnh đẩy nhanh tiện độ thực hiện cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh đang triển khai đường liên cảng với điểm nhấn cầu Phước An nhằm kết nối Đồng Nai.

Dự án có tổng chiều dài hơn 3,7 km, trong đó cầu dài 3,4 km với quy mô 6 làn xe, tàu 30.000 tấn có thể chạy phía dưới, tổng kinh phí gần 5.000 tỷ đồng. Công trình là dự án thành phần thuộc đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, với chiều dài hơn 21,3 km từ cảng Cái Mép Hạ (thị xã Phú Mỹ) tới cảng Phước An (đoạn qua Đồng Nai dài 1,4 km).

Cầu xây xong sẽ kết nối khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải với cao tốc Bến Lức - Long Thành đi các tỉnh miền Tây, đồng thời giảm tải cho quốc lộ 51.

Nằm phía Tây Bắc khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Phước đang dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp ngày càng tăng, trong đó hạ tầng giao thông luôn được địa phương quan tâm, ưu tiên hàng đầu.

Mới đây, tỉnh Bình Phước kiến nghị Chính phủ cho phép xây cầu Mã Đà, rộng 11 m, dài 90 m, kết nối Đồng Nai qua con sông cùng tên. Công trình này nằm trong dự án đầu tư nâng cấp đường ĐT753 dài 30 km, tổng vốn 655 tỷ đồng.

Theo tỉnh Bình Phước, cầu Mã Đà giúp kết nối các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước với cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải, rút ngắn 60 km so với đi đường hiện tại. Dự án đang được Thủ tướng chỉ đạo giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì họp bàn, đề xuất Chính phủ quyết định.

Phước TuấnTrở lại Thời sựTrở lại Thời sựChia sẻ ×

Tags:

cầu kết nối miền Đông

cầu Bạch Đằng 2

cầu Cát Lái

cầu nối Đồng Nai TP HCM

Tin nóng

Giao thông

Bối cảnh

Tin cùng chuyên mục