9X bỏ phố về quê mở phòng thí nghiệm cây giống
Đồng ThápĐang quản lý phòng thí nghiệm ở TP HCM, Nguyễn Phượng Hằng, 30 tuổi, về quê mượn tiền gia đình, bạn bè mở phòng thí nghiệm, phát triển cây giống.
Sinh ra ở vùng quê huyện Lấp Vò, ngày nhỏ Hằng có nhiều cơ hội tiếp xúc cây giống do ba mẹ trồng, chở trên ghe bán khắp vùng. Năm 2014, tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, Đại học Nông Lâm TP HCM, cô được tuyển vào phòng thí nghiệm nuôi cấy mô ở Đồng Nai.
Từ nhân viên, sau một năm cô được lên quản lý, mức lương hơn 10 triệu đồng. Cuối năm 2019, cô khăn gói về Đồng Tháp với mục đích muốn nối nghiệp gia đình sản xuất cây giống. "Lúc đó đang thịnh trào lưu bỏ phố về quê nhưng trước khi quyết định phải biết mình có gì trong tay, đối mặt với thử thách ra sao chứ không hẳn vì chán phố thị rồi bỏ", Hằng chia sẻ.
Nguyễn Phượng Hằng thực hiện quy trình cấy mô tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Ngọc Tài
Hành trang về quê của cô gái Đồng Tháp là 5 năm kinh nghiệm, gần 100 triệu đồng. Cô mượn thêm gia đình, bạn bè để mở phòng thí nghiệm nuôi cấy mô rộng 20 m2. Nhờ tận dụng căn nhà của ba mẹ, chi phí làm phòng nuôi cấy mô của cô giảm phân nửa, khoảng 200 triệu đồng.
Kỹ thuật cấy mô tế bào là phương pháp duy trì, nuôi cấy các cơ quan thực vật trong điều kiện vô trùng, giàu dinh dưỡng. Giống cấy mô được chọn lọc từ những cây có giá trị kinh tế cao, khắc phục được những nhược điểm của chiết, ghép, giâm cành...
Phòng thí nghiệm được xây xong, Hằng chọn cây chuối để nghiên cứu vì thị trường đang cần, và cũng muốn giúp nông dân ở quê có nguồn giống chất lượng. Theo cô, chuối trồng truyền thống tách giống từ cây mẹ dễ nhiễm nấm, vàng lá và thối củ, nhẹ thì giảm năng suất, nặng có thể chết cây.
Bước đầu, cô tới Đồng Nai tìm nguồn giống tốt như chuối già, chuối xiêm, chuối cao. Để lấy được mô chất lượng, sạch bệnh, cô phải đi lúc nắng mới lên, cây được lấy giống chưa trổ bông cũng không quá nhỏ. Sau khi đào củ chuối lên, cô mang về Đồng Tháp khử trùng bằng dung dịch Javen, nước cất sau đó đưa vào phòng thí nghiệm nhân nuôi.
Theo cử nhân 9X, chuối nhân giống dễ hơn loại cây khác, tỷ lệ thành công hơn 80% sau 6 tháng nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Cô thành công ngay lần nuôi cấy đầu tiên song thời gian nghiên cứu cũng ngốn chi phí khá lớn, phải đi vay mượn. Cô xoay sở tiền duy trì làm thí nghiệm bằng cách đi chuyển giao kỹ thuật cho một số nông dân trồng cây lâm nghiệp, kinh doanh một số cây giống.
"Về quê lập nghiệp cực gấp 10 lần lúc đi làm công nhưng thấy vui vì đạt được một số kết quả như dự tính", cô nói.
Một giống chuối đột biến Hằng đang nghiên cứu nhân giống. Ảnh: Ngọc Tài
Ròng rã một năm xây dựng phòng thí nghiệm, hoàn thành quy trình nhân nuôi, đầu năm 2021, Hằng nhận được nhiều đơn hàng từ các tỉnh miền Đông. Đến tháng 4/2021, cô vừa giao xong 90.000 cây chuối giống thu về 180 triệu đồng thì Covid-19 ập đến. Phòng thí nghiệm phải giảm công suất vì thiếu nhân công, thị trường cây giống vẫn bán song chủ yếu xả hàng mong gỡ tiền vốn.
Giữa tháng 3 năm nay, sau khi dịch dần được khống chế, khoảnh sân nhỏ trước nhà Hằng đầy ắp cây giống nuôi cấy mô. Ngoài chuối cô còn nhận đặt hàng sản xuất hoa kiểng, một số giống đột biến. Cô cũng nghiên cứu giống khoai môn đặc sản Lấp Vò, một số hoa kiểng của làng hoa Sa Đéc với mong muốn tạo những đặc tính tốt, sản xuất giống chất lượng đồng đều, số lượng lớn.
Mỗi năm phòng thí nghiệm của Hằng cung ứng ra thị trường trung bình 200.000 cây nuôi cấy mô, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Dự án khởi nghiệp cây giống cấy mô của cô đạt được giải ba vòng tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thạc sĩ Lương Nguyễn Duy Thông, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Đồng Tháp, giám khảo cuộc thi khởi nghiệp, nhận xét Hằng là thí sinh đầy khát vọng. Phòng thí nghiệm của cô nếu thành công nhân giống cấy mô các loại đặc sản miền Tây như xoài, quýt hồng sẽ đóng góp cho ngành nông nghiệp địa phương đang thiếu nguồn cây giống chất lượng.
Ngọc Tài Trở lại Thời sựTrở lại Thời sựChia sẻ ×
Tags:Đồng Tháp
khởi nghiệp
bỏ phố về quê
cây giống nuôi cấy mô
nông nghiệp
Dân sinh
Chân dung
Tin nóng
Tin cùng chuyên mục