Bình Dương xây thêm 20.000 căn hộ cho công nhân
Dự án nhà xã hội vốn đầu tư 9.500 tỷ đồng, dành cho công nhân ở Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Thủ Dầu Một và Bàu Bàng, được tỉnh Bình Dương khởi công trưa 19/3.
Dự án nằm trong giai đoạn hai của đề án nhà ở xã hội của Becamex IDC, quy mô 120.000 căn, phục vụ nhu cầu hơn 300.000 người. Phần lớn căn hộ rộng khoảng 30 m2, giá bán ưu đãi từ 100 đến 200 triệu đồng. Ngoài ra có căn cao cấp hơn giá từ 200 đến 500 triệu đồng, hoặc cho thuê 750.000 đồng một tháng. Trước đó, giai đoạn một đề án đã xây hơn 47.500 căn. Giá bán và thuê hợp lý nên thu hút hàng chục nghìn công nhân, người thu nhập thấp.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, hiện địa phương có khoảng một triệu lao động ngoài tỉnh, trong đó hơn 480.000 người có nhà ở ổn định (mua nhà riêng, nhà ở xã hội, ở cùng gia đình...). Ngoài ra, có khoảng 200 doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở cho người lao động, đáp ứng khoảng gần 50.000 người. Số còn lại khoảng 470.000 người lao động đang phải thuê nhà.
Thủ tướng thăm nữ công nhân tại khu nhà ở xã hội Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, trưa 19/3. Ảnh: Phước Tuấn
Tại lễ khởi công, khi thăm một gia đình công nhân ở phường Định Hoà, TP Thủ Dầu Một, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói nhà ở xã hội hiện tại ở Định Hoà cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các gia đình nhỏ. Tuy nhiên trong tương lai, tỉnh cần quan tâm mở rộng diện tích các căn hộ với điều kiện sống tốt hơn, đầu tư hạ tầng y tế, giáo dục, môi trường, văn hóa xã hội...
"Việc xây dựng cần đồng bộ, hoàn chỉnh hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển và mong muốn, nhu cầu của người lao động", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết Chính phủ đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, trong đó có các chính sách liên quan trực tiếp việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Trước đó, sáng 19/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công Khu công nghiệp VSIP 3, rộng 1.000 ha, tổng vốn đầu tư 6.400 tỷ đồng, tại phường Hội Nghĩa, TX Tân Uyên.
VSIP III được thiết kế để tích hợp công nghệ thông minh từ sử dụng năng lượng, nước, chất thải, giao thông và an ninh. Khu công nghiệp còn xây dựng trang trại năng lượng mặt trời rộng 50 ha cung cấp điện cho các khách hàng lớn.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, đến nay có 31 tập đoàn, công ty trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực công nghệ cao tìm hiểu khả năng phát triển sản xuất tại khu công nghiệp, tương đương 176 ha đất công nghiệp, 1,8 tỷ USD vốn đầu tư.
Thủ tướng (thứ 2 từ phải qua) trò chuyện với lãnh đạo tỉnh Bình Dương bên sa hình KCN VSIP 3, sáng 19/3. Ảnh: Phước Tuấn
Thủ tướng đề nghị Bình Dương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp tình hình mới, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Tỉnh cần tiếp tục xây dựng hệ sinh thái công nghiệp gắn với xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Địa phương phải bảo đảm đời sống người dân đã nhường mặt bằng cho dự án.
Tại Bình Dương, Khu công nghiệp VSIP hình thành từ năm 1996 dựa trên mối quan hệ hợp tác Việt Nam và Singapore. Ngoài VSIP 3, ở Bình Dương còn có VSIP 1 rộng 500 ha ở TP Thuận An; VSIP 2 giai đoạn 1 rộng hơn 2.000 ha nằm ở 4 địa bàn: TP Thủ Dầu Một, TX Bến Cát, Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên. Ngoài ra, liên doanh này còn hợp tác với nhiều tỉnh để mở khu công nghiệp.
Phước TuấnTrở lại Thời sựTrở lại Thời sựChia sẻ ×
Tags:VISIP III
Thủ tướng Phạm Minh Chính
trao giấy đăng ký đầu tư
Tin nóng
Tin nóng
Tin cùng chuyên mục