24/03/2022 09:39

Khảo sát tiền lương tại 18 tỉnh thành

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ khảo sát về tiền lương trong doanh nghiệp, mức sống tối thiểu của lao động tại 18 tỉnh thành, từ 1/4.

Khảo sát thực hiện trong một tháng, tại 2.000 doanh nghiệp gồm công ty nhà nước, cổ phần góp vốn nhà nước, FDI và dân doanh. Các địa phương khảo sát là nơi có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển, như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bình Dương...

Nội dung khảo sát chủ yếu là việc thực hiện quy định lương tối thiểu vùng, điều chỉnh của doanh nghiệp trong quý I năm nay ra sao khi khi tiền lương tối thiểu năm 2021 không thay đổi; thống kê mức lương thấp nhất thực trả cho lao động tại bốn vùng trong cả nước; quỹ tiền lương theo công việc hoặc chức danh, tiền lương làm thêm giờ; số giờ làm việc trung bình của người lao động; lương, thưởng, các khoản phúc lợi, chi tiêu, nhà ở...

Kết quả khảo sát là một trong những cơ sở cho việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2023.

Khảo sát tiền lương tại 18 tỉnh thành

Một xóm trọ công nhân tại Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), tháng 1/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Lương tối thiểu vùng có hai năm liên tiếp không tăng do tác động của đại dịch Covid-19. Từ 1/1/2020 đến nay, lương tối thiểu vùng I là 4,42 triệu đồng, vùng II 3,92 triệu, vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Đầu năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thay vì hoãn cả năm, song chưa thể thông qua do đại dịch kéo dài, cần thời gian cho doanh nghiệp phục hồi. Cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị tại phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia trong năm nay, bởi việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng là cấp thiết, khi chi phí xăng dầu "tăng chóng mặt" làm giá cả tăng theo.

Thống kê cả nước có khoảng 70% lao động đang thuê trọ ở các khu nhà người dân tự xây, diện tích dưới 3 m2/người. Hơn 1,7 triệu công nhân cả nước cần chỗ ở ổn định, trong khi thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/tháng, chưa tính tăng ca. 70% công nhân thuộc nhóm thu nhập dưới 10 triệu đồng. Người lao động hầu như không có khả năng tích lũy mua nhà.

Do ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ tư (từ cuối tháng 4/2021), khoảng 2,2 triệu người hồi hương. Để phục hồi thị trường lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã lấy ý kiến dự thảo về gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động khu vực chính thức, có đóng bảo hiểm xã hội. Dự kiến, mỗi lao động làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm đang phải thuê nhà, ở trọ được hỗ trợ 500.000 đồng đến 1 triệu mỗi tháng, tối đa ba tháng.

Hồng ChiêuTrở lại Thời sựTrở lại Thời sựChia sẻ ×

Tags:

khảo sát tiền lương

mức sống tối thiểu

lương tối thiểu vùng

Tin nóng

Tin nóng

Tin cùng chuyên mục