Kinh tế bất ổn vì cuộc đua học hành của con
Xã hội ngày càng cạnh tranh, các phụ huynh Việt đang ngày càng chi nhiều tiền hơn cho việc học hành của con cái, nhiều trường hợp dẫn đến mất cân đối tài chính gia đình.
Minh Thuận, 35 tuổi, ở Cầu Giấy (Hà Nội) là nhân viên văn phòng, chồng lái xe, tổng thu nhập khoảng 40 triệu đồng, mỗi tháng cô dành khoảng 20 triệu cho việc học hành của con trai với mục tiêu "không thua ở vạch xuất phát".
Khi cậu bé 5 tuổi, Thuận đã tìm hiểu các trường tiểu học khắp Hà Nội, từ công lập, dân lập cho đến quốc tế, cuối cùng chốt một trường cách nhà hơn 30 km, nơi được giới thiệu gần gũi thiên nhiên và học thêm nhiều kỹ năng xã hội khác. Học phí và đi lại của con đã ngốn 10 triệu đồng. Cuối tuần, cậu bé còn tham gia thêm các lớp ngoại ngữ, bơi, võ.
Chồng cô, anh Tiến Thanh không ngừng cằn nhằn vợ vì ngày nào con cũng phải học, ít có thời gian nghỉ ngơi đồng thời khoản chi này quá nhiều, gia đình không còn tiết kiệm dù còn nhiều nỗi lo khác.
"Tháng nào tiêu hết tiền tháng đó, nhỡ sau này xảy ra biến cố lấy tiền đâu ra", anh đặt câu hỏi. Dù vậy, Thuận vẫn không thay đổi, hai vợ chồng vì thế thường xảy ra cự cãi. "Chẳng gì bằng đầu tư cho con có nền tảng vững vàng từ khi còn nhỏ", cô phản bác.
Minh Thuận cũng giống như nhiều cha mẹ khác, ngày càng chú trọng đầu tư cho con cái. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm 2020, trung bình các hộ dân cư ở Việt Nam chi hơn 7 triệu đồng cho một thành viên đang đi học, tăng khoảng 7% so với năm 2018 và 57,7% so với năm 2012. Trong cơ cấu chi cho giáo dục, các khoản chi chiếm tỷ trọng lớn là học phí, trái tuyến chiếm 35,1%, học thêm 17,5% và chi phí giáo dục khác như sách giáo khoa, đồng phục chiếm 26,6%.
"Như vậy, có thể thấy giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu của hộ gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, với tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi tiêu thì đây là một gánh nặng tương đối lớn đối với phần đông các hộ gia đình ở Việt Nam hiện nay", báo cáo của Tổng cục thống kê cho biết.
Chi giáo dục đào tạo bình quân một người đi học trong 12 tháng. Nguồn: Tổng cục thống kê.
Dù vậy, theo PGS, TS. Đỗ Minh Cương, Đại học quốc gia Hà Nội, việc đầu tư giáo dục cho con nên ưu tiên, nhưng dành tới 50% hoặc hơn của tổng thu nhập như gia đình Minh Thuận là chưa hợp lý.
"Chi tiêu quá nhiều cho giáo dục sẽ không còn dự trữ tài chính cho những việc cấp bách như ốm đau hoặc những biến cố phát sinh", ông Cương nhấn mạnh.
Ở những gia đình có cơ hội lựa chọn chi tiêu như Minh Thuận, nên có nguồn tích lũy dự phòng và đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, cũng như đề phòng rủi ro. Trong trường hợp gia đình có những biến cố bất ngờ, nếu không có tiền dự trữ sẽ phát sinh vay nợ, gây nhiều hệ lụy, nếu không có đầu tư sẽ không thể tự do tài chính, kinh tế gia đình không được cải thiện.
Như trường hợp gia đình Quốc Mạnh, cả hai vợ chồng đều là công chức, tổng thu nhập 35 triệu đồng một tháng, nhưng phải chi 17-18 triệu đồng tiền học cho hai đứa con tại một trường dân lập ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Dù rất muốn mua ôtô làm phương tiện đi lại, nhưng cả chục năm nay, mong muốn đó chưa thành hiện thực.
Anh Mạnh cho biết, nhiều năm nay thu nhập gia đình không đổi nhưng khoản chi mỗi tháng cho việc học của các con chỉ tăng chứ không giảm. Lý do là có nhiều khoản phát sinh trong những dịp lễ, sự kiện, tham quan, hội hè. Ngoài ra còn thêm chi phí ở các lớp học thêm như tiếng Anh, Toán, Văn. Có tháng hết tiền, hai vợ chồng lại phải vay tạm anh em, bạn bè. Nhiều lúc mệt mỏi chuyện tiền nong, nhưng chị Hoa (vợ anh) lại nghĩ "tất cả vì tương lai con" nên tặc lưỡi cho qua.
"Dù thế nào tôi vẫn cố gắng để con tiếp tục học ở trường tư chất lượng cao", Hoa chia sẻ. Theo chị tiền có thể kiếm được còn việc lựa chọn môi trường giáo dục cho con không dễ dàng. Nếu tiếc tiền chọn bừa một trường kém chất lượng, hai đứa con chị sẽ "cả đời không ngẩng lên được".
Minh Thuận dạy con trai học, tháng 3/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Quan điểm này của Hoa tương đồng với nhận xét của tạp chí The Economist (Anh) khi cho rằng Việt Nam dù là quốc gia thu nhập trung bình nhưng nằm trong nhóm các nước có hệ thống trường tư thục phát triển nhanh nhất thế giới.
Trước đó, theo Master Card khi tìm hiểu về những ưu tiên trong chi tiêu cho giáo dục của người tiêu dùng với sự tham gia của 7.932 người trong độ tuổi 18-64 tại 16 nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, kết quả cho thấy 39% cha mẹ Việt Nam chi tiêu tiền bạc cho việc học ngoại ngữ của con; tỷ lệ này đứng thứ hai khu vực, chỉ sau Hàn Quốc (46%).
Quốc Mạnh không phản đối kỳ vọng của vợ, nhưng anh nghĩ, dù chi tiêu thế nào cũng cần giữ mức tiết kiệm tối thiểu 10% thu nhập cho quỹ dự phòng sức khỏe, ốm đau. Đó là chưa tính đến tiết kiệm để đầu tư. Nhưng với cách chi tiêu của gia đình hiện nay, điều đó khó thành hiện thực vì tháng nào tiêu hết tháng đó.
Người đàn ông này cho rằng, với thu nhập của hai vợ chồng chỉ nên chọn những ngôi trường với chi phí rẻ hơn. "Thành công của con cái dựa trên sự quan tâm và gương mẫu của bố mẹ, chứ không phải chi nhiều tiền cho con học trường này lớp nọ", anh nói.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Đỗ Minh Cương cho rằng, nếu tài chính không dư dả để học trường tư, cha mẹ hoàn toàn có thể bổ sung kiến thức tiếng Anh và xã hội cho con bằng những con đường khác, phù hợp với kinh tế gia đình hơn.
Theo chuyên gia, ở những gia đình có hoàn cảnh cơ bản như Minh Thuận và Quốc Mạnh, nên chia tổng thu nhập một tháng thành 5 phần, lần lượt ưu tiên gồm: Chi tiêu sinh hoạt gia đình; Đầu tư/chi phí giáo dục; Sức khỏe, bảo hiểm; Đối ngoại và tiết kiệm đầu tư phát triển kinh tế. Trường hợp hai gia đình trên nên phân bổ thứ tự chi tiêu hợp lý có thể theo tỷ lệ phần trăm là 40-25-10-10-15.
Những gia đình khi chưa dùng đến chi phí dự phòng có thể gộp vào khoản tiền tiết kiệm đầu tư. Ở những gia đình điều kiện kinh tế tốt hơn, có thể có thêm chi phí dành cho du lịch.
Ông Cương cũng lưu ý, con số này không áp dụng chung cho tất cả các gia đình. Với những gia đình có kinh tế tốt hay kém hơn có thể điều chỉnh tùy theo nhu cầu thực tế. Tuy nhiên theo ông, ở trường hợp kể cả thu nhập gia đình không cao, cũng cần có mục tiêu rõ ràng, trích một phần tiết kiệm để đầu tư, đơn giản nhất là mua vàng hay gửi tiết kiệm. Như vậy sau khoảng thời gian nhất định, mong muốn mua nhà, mua xe hay những mục tiêu khác mới thành hiện thực.
Hải HiềnTrở lại Đời sốngTrở lại Đời sốngChia sẻ ×
Tags:đầu tư giáo dục
vợ chồng
tài chính gia đình
Gia đình
Tình huống
Tin cùng chuyên mục