29/10/2020 06:49

Kinh tế toàn cầu u ám vì làn sóng lây nhiễm Covid

Sự u ám đã đè nặng lên các thị trường tài chính giữa lúc làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới che phủ triển vọng kinh tế toàn cầu và các cuộc đàm phán về gói cứu trợ mới của Mỹ rơi vào bế tắc.

Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan hôm 26-10 khẳng định châu Âu cần tăng tốc trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. "Chúng ta đang chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh, đại dịch lây lan diện rộng với tỉ lệ dương tính rất cao… Nhiều quốc gia đang đối mặt với rủi ro phong tỏa trở lại trong những tuần tới" - ông Ryan cho biết thêm.

Cũng theo ông Ryan, châu Âu hiện chiếm 46% tổng số ca nhiễm và gần 30% tổng số số ca tử vong vì Covid-19 của toàn thế giới. Cùng ngày, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi chính phủ và người dân các nước châu Âu chung tay và "phải làm mọi cách để làm chậm tốc độ lây nhiễm".

Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh bức tranh Covid-19 tại châu Âu đang ngày càng u ám khi hàng loạt quốc gia thông báo mức tăng kỷ lục, dẫn đầu là Pháp - nơi lần đầu tiên ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm mới sau 24 giờ vào ngày 25-10 (giờ địa phương) trong khi số người thiệt mạng vì đại dịch trên khắp châu lục này vượt mốc 250.000 người. Giáo sư Jean-François Delfraissy, người đứng đầu một hội đồng tư vấn cho chính phủ Pháp, khẳng định nước này thậm chí có thể đang ghi nhận mức tăng 100.000 ca nhiễm mới/ngày.

Kinh tế toàn cầu u ám vì làn sóng lây nhiễm Covid

Công nhân làm việc tại công trường hôm 27-10 theo sau một đợt bùng phát Covid-19 ở thủ đô Bắc Kinh Ảnh: REUTERS

Chính phủ các nước đã nỗ lực để tránh kịch bản phong tỏa trở lại, song làn sóng lây nhiễm mới đã buộc nhiều quốc gia ở châu Âu thắt chặt các biện pháp chống dịch. "Những tháng tới sẽ cực kỳ khó khăn. Tình hình có nguy cơ vượt tầm kiểm soát" - Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định trong cuộc họp hôm 26-10 với giới lãnh đạo Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) - báo Bild tiết lộ. Tờ báo này cho biết thêm nhà lãnh đạo 66 tuổi đã lên kế hoạch tái phong tỏa nhưng với các biện pháp ít khắc nghiệt hơn, tập trung vào việc đóng cửa quán bar, nhà hàng và các sự kiện công cộng.

Trong khi đó, Ý đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới vào ngày 26-10, cấm nhà hàng và quán bar hoạt động sau 18 giờ, đóng cửa toàn bộ rạp chiếu phim và phòng gym, đồng thời áp giờ giới nghiêm tại nhiều khu vực.

Tại Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, số người phải nhập viện điều trị Covid-19 đang ở mức cao nhất trong 2 tháng qua, khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe tại nhiều bang quá tải. Tổng thống Donald Trump tuyên bố số ca nhiễm gia tăng do Mỹ đang đẩy mạnh chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn. Dù vậy, theo một phân tích của Reuters, số ca nhiễm mới trong tuần qua tại Mỹ tăng thêm 24% trong khi số ca xét nghiệm chỉ tăng thêm 5,5%.

Sự u ám đã đè nặng lên các thị trường tài chính giữa lúc làn sóng lây nhiễm mới che phủ triển vọng kinh tế toàn cầu và các cuộc đàm phán về gói cứu trợ mới của Mỹ rơi vào bế tắc. Thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua ngày tồi tệ nhất trong tháng qua khi kết thúc phiên giao dịch ngày 26-10, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 2,3% sau khi đã giảm hơn 3% trước đó cùng ngày. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 1,8% và 1,6%.

Xu hướng tương tự cũng diễn ra với thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch hôm 27-10, khi chỉ số chứng khoán MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,43% trong lúc chỉ số ASX 200 của Úc giảm 1,7% - mức giảm tồi tệ nhất trong tháng qua. Các dữ liệu trước đó cho thấy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận công nghiệp tháng 10 của Trung Quốc đã giảm so với tháng 9, một dấu hiệu cho biết sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa được củng cố.

Theo báo cáo hôm 27-10 của Liên Hiệp Quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã giảm 49% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái vì những nỗi lo liên quan đến suy thoái diện rộng. Báo cáo cho biết trong giai đoạn nêu trên, dòng chảy FDI vào các nền kinh tế châu Âu lần đầu tiên rơi xuống mức âm, giảm từ 202 tỉ USD xuống còn -7 tỉ USD. Dòng chảy FDI vào Mỹ cũng đã giảm 61% xuống mức 51 tỉ USD. Theo Giám đốc Đầu tư và Doanh nghiệp tại Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc James Zhan, FDI toàn cầu năm nay sẽ có mức giảm mạnh từ 30%-40% so với năm ngoái nhưng sẽ giảm “vừa phải” vào năm 2021, với mức giảm từ 5%-10%.

Bầu cử Mỹ nhìn từ củ nhân sâm: Chiến tranh thương mại và Covid-19 khiến ông Trump mất đi lợi thế ở 1 bang chiến trường quan trọng như thế nào?

Tags:

covid-19

ca nhiễm

who

kinh tế toàn cầu

Tin cùng chuyên mục