08/04/2023 17:31

Mắc kẹt chốn công sở

Sáng nào khi mở mắt Chu Hằng cũng đấu tranh với ý nghĩ "hay là xin nghỉ hôm nay?" rồi uể oải bước vào nhà tắm, mỉm cười trước gương, lẩm nhẩm động viên mình.

Hằng kể màn tự động viên thường kéo dài vài phút bằng việc điểm lại những lợi ích của công việc như: có thu nhập trang trải cuộc sống, được đóng bảo hiểm, cuối năm có thưởng. Sau khi lấy hơi thật dài, Hằng, 31 tuổi, nhân viên một công ty viễn thông tại Hà Nội, mới rời nhà đi làm.

Buổi sáng là vậy nhưng tối về cô thường xuyên mất ngủ. Công việc áp lực cao và bận rộn khiến cô không còn nhiều thời gian cho gia đình, bản thân, chán nản công việc "đến cùng cực".

Nhưng Hằng không dám nghỉ việc bởi khó tìm được mức lương cao hơn với một công việc tương tự. Nghỉ việc đồng nghĩa với gia đình sẽ khó khăn hơn, các kế hoạch học hành của con cái bị đổ bể.

"Nhưng chẳng lẽ mình như thế này đến hết đời?", nhiều lần cô tự hỏi dù biết không có câu trả lời.

Mắc kẹt chốn công sở

Chu Hằng làm việc tại nhà vào một ngày cuối tuần tháng 3/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoàng Vinh, nhân viên một công ty truyền thông tại TP HCM, thường xuyên phải đi sớm về muộn, liên tục nhận điện thoại cuối tuần, ngày lễ hay nửa đêm. Cuộc sống của anh gần như chỉ xoay quanh công việc, không còn thời gian cho nhu cầu khác. Gần đây, anh thường xuyên mâu thuẫn với cấp trên. Mỗi lần chậm KPI, anh lại bị gây áp lực thậm chí phải nghe những lời lẽ thiếu tôn trọng.

"Những lúc xung đột gay gắt với sếp, tôi lại nghĩ đến nghỉ việc", Vinh nói. Tuy nhiên, người đàn ông 40 tuổi thừa nhận dù chán nản nhưng mọi thứ khó thay đổi vì cơ hội nghề nghiệp thu hẹp bởi tuổi tác, trong khi còn gánh nặng kinh tế gia đình.

Khoảng 8% lao động trên khắp thế giới đã hoặc đang gặp tình cảnh như Chu Hằng và Hoàng Vinh, theo khảo sát năm 2019 của Aon Hewitt - một công ty toàn cầu về tư vấn nguồn nhân lực và thuê ngoài, trụ sở tại Mỹ. Họ chán công việc hiện tại, bế tắc và mất động lực nhưng không xin nghỉ việc. Cảm giác này có thể tạm thời hoặc kéo dài cho đến khi thay đổi công việc.

Aon Hewitt dùng từ "tù nhân" để nói về những người đang mắc kẹt với công việc họ ghét nhưng không thể từ bỏ. Họ có khả năng tìm được việc khác nhưng không muốn tìm bởi nghĩ không có cơ hội hoặc cảm thấy đang được trả lương nhiều hơn so với mức kiếm được.

Từ đầu năm 2023, các nhà nghiên cứu nhân sự đã lên tiếng cảnh báo về Presenteeism - tình trạng nhân viên làm việc trong tình trạng không thoải mái, khó chịu nhưng không xin nghỉ việc. Đây được cho là xu hướng mới và cực kỳ đáng lo ngại đối với thị trường lao động.

Theo tiến sĩ Đỗ Minh Cương, Viện phó Viện Văn hóa kinh doanh (Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam), nhu cầu của người lao động chia thành 5 bậc: Nhu cầu sinh lý (ăn uống, mặc, nơi ở) được thể hiện qua mức lương; Nhu cầu an toàn (được đóng bảo hiểm, làm việc tại môi trường đầy đủ trang thiết bị); Nhu cầu xã hội (có các mối quan hệ); Nhu cầu được tôn trọng và Nhu cầu thể hiện bản thân.

"Mỗi người ở trong những bậc nhu cầu công việc khác nhau. Một khi nhu cầu không được đáp ứng dễ phát sinh tâm lý chán nản", ông Cương nhận định.

Mắc kẹt chốn công sở

Tháp nhu cầu của Maslow là lý thuyết động lực trong tâm lý học, gồm một mô hình 5 tầng của kim tự tháp thể hiện nhu cầu tự nhiên của con người phát triển từ cơ bản đến cao hơn. Ảnh minh họa: hocvalam.edu.vn

Làm việc trong lĩnh vực nhân sự 17 năm, bà Thanh Hương, trưởng phòng hoạch định và chính sách nhân sự của một công ty sở hữu hơn 20 thương hiệu tại Việt Nam cho rằng, một nguyên nhân nữa khiến người lao động không thể nghỉ việc dù chán nản chính là tâm lý ngại thay đổi.

"Nằm lâu trong vùng an toàn dễ phát sinh tính lười biếng cũng như mất dũng khí bứt phá. Vì thói quen, vì sợ thay đổi, vì lo trình độ thụt lùi nên dù nhu cầu công việc không được đáp ứng họ vẫn chấp nhận thực tế", bà Hương nhận xét.

Chấp nhận thực tế nhưng sự chán chường khiến Chu Hằng bị căng thẳng tinh thần, ngủ không ngon giấc, đôi khi còn gặp ác mộng. Vì cơ thể mệt mỏi nên cô rất dễ nổi cáu, chồng con thường xuyên phải chịu những trận quát tháo vô lý.

Không chỉ gia đình, tác hại của sự chán nản, mệt mỏi còn ảnh hưởng tới công việc chung. Những tháng gần đây, Hằng liên tiếp đứng cuối bảng xếp hạng nhân viên, ảnh hưởng đến cả phòng. Công ty vừa có đợt tinh giản nhân sự, sáp nhập bộ phận, cấp trên có ý định chuyển cô sang phòng ban khác nhưng không nơi nào muốn nhận. "Sắp tới, có khả năng tôi bị điều chuyển sang công việc hoàn toàn mới, lương thưởng giảm đi đáng kể", Hằng chia sẻ.

Sự dằn vặt nội tâm cũng ảnh hưởng tới Hoàng Vinh thời gian dài. Những cảm xúc tiêu cực như tự đánh giá thấp bản thân, không ai giúp được mình khiến người đàn ông này nhiều lúc cảm thấy tuyệt vọng. Không đủ tinh thần để nỗ lực như trước nên dù vẫn đi làm nhưng tâm trí Vinh không còn đặt vào công việc. Anh làm đủ trách nhiệm, không làm cố, ngày nghỉ tắt mọi kênh liên lạc.

Kết quả là trong khi đồng nghiệp được tăng lương, thăng tiến, Vinh vẫn là nhân viên bình thường, mờ nhạt trong công ty. Đợt rà soát nhân sự gần đây, tên anh nằm trong danh sách phải xem xét, trường hợp xấu nhất sẽ bị sa thải.

Theo bà Thanh Hương, những nhân viên có thái độ làm việc tiêu cực, không bứt phá, hiệu quả công việc chắc chắn không đảm bảo, ảnh hưởng tới tập thể. Thậm chí thái độ này còn lây lan, làm người khác mất tinh thần, tạo năng lượng buồn chán và kéo giảm hiệu suất chung. Những nhân sự này khiến doanh nghiệp rất khó xử, sa thải thì chưa đến mức nhưng giữ lại cũng không ổn.

Trong trường hợp này, người quản lý phải tìm rõ nguyên nhân, lắng nghe những điều lao động quan tâm như chế độ đãi ngộ, lương thưởng hoặc cơ hội thăng tiến nhằm đánh giá, xem xét. Một khi vướng mắc đã được giải quyết mà thái độ làm việc vẫn không thay đổi, cần cảnh báo về hậu quả.

Tiến sĩ Đỗ Minh Cương khuyên, để tâm trạng không ảnh hưởng xấu đến công việc, cần xác định rõ ràng mục tiêu nghề nghiệp của bản thân. Công việc đi cùng cuộc đời mỗi người ít nhất 30 năm, nên cân bằng giữa công việc, cuộc sống và sự hài lòng. Một nhân sự chán ở công ty này, sang công ty khác một thời gian cũng sẽ lặp lại cảm xúc tương tự. Bởi vậy, mấu chốt là làm sao vượt qua được điều đó, lấy lại hứng khởi làm việc.

Theo ông Cương, mỗi khi chán nản người lao động cần kìm nén cảm xúc tiêu cực, nghĩ lại những ngày tháng vui vẻ công việc đã mang lại, đồng thời đặt ra mục tiêu mới để làm động lực. Ví dụ, tự treo thưởng một chuyến du lịch cuối năm hoặc mua sắm thứ gì đó giá trị lớn nếu đạt KPI hoặc được tăng lương.

Việc thứ hai cần làm là trực tiếp nói chuyện với cấp trên hoặc bộ phận liên quan về cảm giác không hạnh phúc, thất vọng của bản thân trong công việc. Trung thực về trải nghiệm đang có và đưa ra ví dụ cụ thể về những gì khiến bản thân không hài lòng là cách giải quyết tốt nhất cho sự chán nản đó. Tiếp theo là thảo luận với người quản lý về những gì bản thân đang tìm kiếm trên lộ trình phát triển nghề nghiệp để có thêm động lực mới.

Nếu làm mọi cách mà không thành công, nên khám phá cơ hội phát triển khác ngay tại công ty hoặc tìm kiếm công việc mới phù hợp hơn với giá trị và mục tiêu nghề nghiệp, dù phải chuyển lĩnh vực.

"Ai cũng trải qua giai đoạn bế tắc trong sự nghiệp. Thay vì đắn đo nên thay đổi công việc hay không, tốt hơn hết hãy nhìn lại bản thân, suy nghĩ điều bạn muốn làm, con đường bạn muốn đi và đưa ra quyết định sáng suốt nhất", ông Cương khuyên.

Hải HiềnTrở lại Đời sốngTrở lại Đời sốngChia sẻ ×

Tags:

chán việc

nghỉ việc

người lao động

công sở

Tin nóng

nhân viên văn phòng

áp lực công việc

Phong cách sống

Tình huống

Tin cùng chuyên mục